Sự cần thiết về việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh.

Thứ ba - 23/04/2024 03:27
Theo phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2015 của Bộ Chính trị đã xác định: xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh. Tiếp đó ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó một lần nữa xác định thành phố Vinh mở rộng là đô thị trung tâm của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ, động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tiềm năng của thành phố Vinh
Thành phố Vinh nằm về phía Đông Nam của tỉnh Nghệ An, có diện tích tự nhiên 104,99 km2, quy mô dân số 457.726 người và có 25 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc bao gồm 16 phường và 09 xã. Vinh là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Nghệ An, trên địa bàn thành phố có các tuyến đường giao thông trọng điểm chạy qua, như: quốc lộ 46A, quốc lộ 46, quốc lộ 1A đoạn tránh ở phía Tây, đại lộ Thăng Long; đường tỉnh DT547, DT542, DT535 đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối giao thông với các huyện, thị xã trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, thành phố được đầu tư đồng bộ cả về hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy; kết hợp với cảng hàng không quốc tế Vinh đã tạo ra những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Lợi thế có cảng hàng không quốc tế Vinh đã nâng cao giá trị giao thương, hệ thống giao thông thông suốt đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa thành phố với các thành phố lớn của cả nước, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh,... và là đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế, xuất khẩu và du lịch.
Vinh nằm giữa hai khu kinh tế lớn là khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và khu kinh tế Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh), bên cạnh là khu kinh tế Đông Nam. Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch tích cực và đúng hướng, trong đó tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh tập trung chủ yếu là công nghiệp sạch. Tạo tiền đề phát triển nhiều ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến thủy hải sản, dệt may, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, chế tác đá mỹ nghệ,... Trên địa bàn thành phố Vinh có 02 khu công nghiệp, gồm: khu công nghiệp Bắc Vinh, khu công nghiệp VSIP và các cụm công nghiệp, gồm: cụm công nghiệp Nghi Phú, cụm công nghiệp Hưng Lộc, cụm công nghiệp Đông Vĩnh,... đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư với tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích đất cho thuê. 
Sau 16 năm, được công nhận là đô thị loại I, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An; Đảng bộ, Ủy ban nhân dân và Nhân dân thành phố Vinh đã nỗ lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và đã đạt được những kết quả cao trên các lĩnh vực kinh tế xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; vai trò trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục - đào tạo được khẳng định; thu ngân sách đạt khá; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được nâng cấp, hiện đại hóa; văn hóa, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước được nâng cao. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất theo giá hiện hành đạt 101.685,723 tỷ, tăng so với cùng kỳ năm trước là 9,27%. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng đạt 47.580,63 tỷ đồng, chiếm 46,79%; ngành thương mại - dịch vụ đạt 53.260,16 tỷ đồng, chiếm 52,38%; ngành nông lâm thủy sản đạt 844,92 tỷ đồng, chiếm 0,83%.
Thành phố Vinh là một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt có nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng. Trên địa bàn thành phố có 80 di tích, danh thắng trong đó, có 25 di tích được xếp hạng, gồm 13 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh. Các di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm duy tu, bảo tồn hàng năm. Đến với thành phố, du khách có thể tham gia vào nhiều loại hình du lịch như: du lịch nghiên cứu, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh,... Đặc biệt với tiềm năng sẵn có thành phố đã và đang chú trọng vào khai thác du lịch lịch sử văn hóa - sinh thái, tổ chức các hoạt động du lịch trong không gian văn hóa chung, nối Vinh với Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mộ đại thi hào Nguyễn Du; hay Vinh với Cửa Hội, Cửa Lò, vườn quốc gia Phù Mát. Những di tích lịch sử, khu du lịch nổi tiếng này, hàng năm đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch và chiêm bái, góp phần mang lại những nguồn lợi về kinh tế. 
Ngoài những lợi thế về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; thành phố Vinh còn có vị trí chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh trong khu vực; trên địa bàn thành phố có trụ sở của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 có nhiệm vụ chỉ huy, quản lý và tổ chức xây dựng quân đội chiến đấu, bảo vệ vùng Bắc Trung Bộ.
Thành phố Vinh đã đạt được những kết quả đáng kể và đang dần trở thành trung tâm có vai trò dẫn dắt phát triển vùng Bắc Trung Bộ... Tuy nhiên, theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, những kết quả của thành phố Vinh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra. Để hoàn thành các mục tiêu, định hướng phát triển theo các Quy hoạch, Chương trình phát triển đô thị đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, những năm trở lại đây, thành phố Vinh đã và đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Quy hoạch đô thị được chú trọng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư khang trang hiện đại. Thành phố cũng chú trọng công tác kêu gọi đầu tư để thực hiện những công trình lớn, giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng yếu như vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước, chống biến đổi khí hậu và hệ thống giao thông huyết mạch; tập trung kêu gọi thực hiện dự án trên các lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch; thương mại, dịch vụ, du lịch; hạ tầng kỹ thuật; các khu đô thị mới; nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao...
Tiềm năng phát triển của 04 xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong thuộc huyện Nghi Lộc.
Nằm ở vị trí tiếp giáp với toàn bộ phía Đông của thành phố Vinh và toàn bộ phía Tây của thị xã Cửa Lò; có địa hình đồng nhất với thị xã Cửa Lò cũng như thành phố Vinh. Các xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong là các xã đầu tiên của huyện Nghi Lộc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang trong quá trình xây dựng và phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều năm trở lại đây, các xã đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ; phát triển mạnh các ngành nghề kinh doanh thương mại, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tổng thu ngân sách hàng năm của các xã đều đảm bảo chỉ tiêu đề ra; hệ thống nhà ở, đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh, các công trình công cộng được đầu tư xây dựng đồng bộ. 
Với lợi thế là cầu nối cho hai trung tâm phát triển lớn của tỉnh, khi các tuyến đường chính kết nối giữa thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò đều đi qua địa bàn 04 xã. Trong đó, đặc biệt nhất là tuyến đại lộ Vinh Cửa Lò có tổng chiều dài 10,8 km, là trục đại lộ có không gian trọng yếu kết nối trung tâm hành chính thành phố và trung tâm du lịch biển; giúp thay đổi diện mạo thành phố Vinh và khu vực mở rộng, tạo cơ sở thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
Phù hợp với chủ trương, quy hoạch.
Theo phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2015 của Bộ Chính trị đã xác định: xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh. Tiếp đó ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết  số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó một lần nữa xác định thành phố Vinh mở rộng là đô thị trung tâm của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ, động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngày 14/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 52/QĐ-TTg về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó: thành phố Vinh với tính chất và chức năng đô thị là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và đầu mối giao lưu của tỉnh Nghệ An. Đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ; là đô thị loại I, trung tâm của vùng Bắc Trung bộ về các lĩnh vực: Tài chính, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo. 
Ngày 12/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 827/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị với quan điểm phát triển thành phố Vinh đặt trong mối quan hệ tổng thể, đảm bảo gắn kết chặt chẽ với các huyện, thị trong tỉnh, các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ và giữ vai trò đầu tàu trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội; phát triển thành phố Vinh bao gồm thị xã Cửa Lò và một số xã phụ cận thuộc huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc trở thành thành phố hiện đại, văn minh và giàu mạnh.
Việc mở rộng thành phố Vinh với phương án: điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò và 04 xã Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong thuộc huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh quản lý là phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Phát huy vai trò hạt nhân để gắn kết du lịch vùng và quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống khách sạn 5 sao, các khu nghỉ dưỡng; thu hút các dự án khu vui chơi giải trí tổng hợp, ẩm thực phía Nam, phía Tây Nam thành phố; từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Đồng thời, cụ thể hóa kế hoạch “cởi trói” cho không gian đô thị Vinh hiện hữu, hình thành và phát triển “đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”;  làm giảm áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị của trung tâm là thành phố, tạo sự cân đối giữa nội thành và ngoại thành. Đây cũng là bước đệm, cú hích để thành phố Vinh và khu vực mở rộng phát triển toàn diện hơn, xứng tầm trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ. 
Bên cạnh đó, việc mở rộng thành phố Vinh hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, làm tăng nguồn thu và giảm đầu mối, giảm chi ngân sách; nâng cao chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tạo sự bền vững trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Từ những vấn đề nêu trên, việc thành mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh là thực sự cần thiết; đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân địa phương. ĐTT
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây