Trang thông tin điện tử xã Nghi Xuân - Huyện Nghi Lộc - Nghệ Anhttps://nghixuan.nghiloc.nghean.gov.vn/uploads/logo.jpg
Thứ ba - 05/03/2024 02:41
Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch), dự đại hội có hơn 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 được khởi nguồn từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của giới nữ công nhân nước Mỹ. Vào cuối thế kỷ 19, thời kỳ chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Nền kỹ nghệ phát triển, thu hút ngày càng nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức bóc lột tàn bạo của giới tư bản mỹ, ngày 8/3/1899, tại thành phố Chicago và thành phố New-York của nước Mỹ đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của các nữ công nhân ngành dệt may, với khẩu hiệu tăng lương, giảm giờ làm. Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của các nữ công nhân lao động Mỹ. Ðến tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức "Ngày phụ nữ", tổ chức mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại New-York đã có hơn 3.000 chị em dự cuộc họp phản đối chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ. Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của giới nữ công nhân Mỹ đã tạo thành tiếng vang lớn, làm nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc làbàCơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bàRô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Na-dét-da cờ-rúp kai-a (là vợ của Lê-nin) đã vận động thành lập nên Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào. Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên toàn thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch), dự đại hội có hơn 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 8/3 làmngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Đưa ra yêu sách ngày làm việc 8 giờ. Công việc ngang nhau, tiền lương ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Từ đó đến nay, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng, và cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm Châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú. Cũng trong dịp 8/3 này, ở nước ta còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ tướng anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Hai bà Trưng là cách gọi tôn kính đối với 2 nữ anh hùng là Trưng Trắc và Trưng Nhị, những người đã lãnh đạo cuộc khỡi nghĩa đầu tiên của nhân dân ta lật ách thống trị của nhà Đông Hán. Hai bà là chị em sinh đôi, con của Lạc tướng huyện Mê Linh. Lớn lên trong gia đình võ tướng, hai chị em đều khỏe mạnh giỏi võ nghệ, tính khí hùng dũng gan dạ lại thích làm việc nghĩa. Trưng Trắc lấy chồng là Thi Sách, con trai Lạc Tướng Chu Diên, cũng là người có chí lớn, muốn đứng ra cứu dân, cứu nước. Bấy giờ nhà Hán đô hộ nước ta, áp bức bóc lột nặng nề. Lúc ấy Tô Định ra sức trấn áp các dòng họ Lạc tướng cũ hòng dễ dàng đô hộ nước ta, nhiều người bị giết trong đó có Thi Sách, chồng bà trưng trắc. Nghe tin Thi Sách bị Thái Thú Tô Định giết, Trưng Trắc và Trưng Nhị rất căm giận quyết tâm nổi dậy đánh đổ bọn xâm lược. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang sử oanh liệt này sẽ mãi mãi được lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người Phụ nữ Việt Nam vừa là người lao động, vừa là người mẹ, người thấy đầu tiên của mỗi con người. Là người lao động từ trong gia đình đến xã hội, chăm lo tạo dựng cuộc sống gia đình, sinh thành dưỡng dục, giáo dục con cái, là người mẹ luôn giàu lòng nhân hậu, giàu đức hy sinh, nuôi dạy con cái nên người, trở thành công dân tốt có ích cho xã hội, góp phần làm nên sự trường tồn của dân tộc và dựng xây nên nền tảng của gia đình văn hóa. Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia. Họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm, chia sẻ từ một nửa còn lại của thế giới, luôn được chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Nghệ An thời đại mới”, có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Hội LHPN tỉnh Nghệ An phát động. Phát huy truyền thống của Hội LHPN Việt Nam, phát huy truyền thống quê hương Nghi Xuân anh hùng. Hội LHPN xã Nghi Xuân kêu gọi mỗi chị em cán bộ, hội viên phụ nữ xã nhà hãy nêu cao truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam,đoàn kết, sáng tạo tích cực trong học tập, lao động, sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế đảm bảo ANCT-TTATXH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 30 đã đề ra, góp phần xây dựng quê hương Nghi Xuân ngày càng giàu đẹp, văn minh. Kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 08/3 và 1984 năm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong tháng 3 này, Hội LHPN xã Nghi Xuân đã phát động phong trào thi đua trong toàn hội, các chi hội chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp cùng các tổ chức chi đoàn chi hội của từng xóm tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao như giao lưu bóng chuyền, giao lưu văn nghệ, tổ chức hái hoa dân chủ, xây dựng các công trình, các đoạn đường hoa, đường cờ, đường điện thắp sáng do chi hội phụ trách hoặc đảm nhận làm vệ sinh các đoạn đường xóm. Rất mong được các cấp uỷ đảng, ban công tác mặt trận, ban cán sự xóm, các chi đoàn chi hội cùng hỗ trợ, phối hợp tổ chức để các chi hội phụ nữ trong toàn xã thực hiện thành công các nội dung nhiệm vụ đề ra. Nhân dịp ngày lễ trọng đại này, Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Nghi Xuân xin gửi tới toàn thể các bà, các mẹ và chị em phụ nữ xã nhà lời chúc mừng trân trọng nhất. Chúc mọi người luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, tràn đầy niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Chung sức đồng lòng cùng với đảng bộ và Chính quyền xã nhà thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024. Vào sáng ngày 6/3/2024, Hội LHPN xã Nghi Xuân sẽ long trọng tổ chức buổi toạ đàm kỷ niệm 114 năm ngày quốc tế phụ nữ 08/3 và 1984 năm ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chương trình giao lưu văn nghệ kết hợp hái hoa dân chủ tìm hiểu về truyền thống hội LHPN Việt Nam. VH