Nhà thờ và lăng mộ Phạm Nguyễn Du - Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia

Thứ tư - 13/09/2023 21:46
Phạm Nguyễn Du sinh năm 1739; nguyên tên là Phạm Vĩ Khiêm, tự là Hiếu Đức, hiệu là Thạch Động tiên sinh. Ông là người làng Đặng Điền, Tổng Đặng Xá, huyện Châu Phúc (nay là xóm Tiên Lạc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Nhà văn, nhà thơ thời Lê Trung Hưng, tác giả của "Thạch Động tiên sinh thi tập"
Tổng quan
PND

Phạm Nguyễn Du sinh năm 1739; nguyên tên là Phạm Vĩ Khiêm, tự là Hiếu Đức, hiệu là Thạch Động tiên sinh. Ông là người làng Đặng Điền, Tổng Đặng Xá, huyện Châu Phúc (nay là xóm Tiên Lạc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Ông đậu Giải nguyên năm 1773, đậu Hội nguyên Hoàng giáp năm 1779, Triều Lê Cảnh Hưng.
Ông đã từng làm Giám sát ngự sử đạo Hải Dương, Thiêm sai dưới Triều Trịnh Sâm, Đông các Đại học sĩ và Đốc đồng Nghệ An.
Phạm Nguyễn Du là một vị quan thanh liêm, trung thực và có nhiều cống hiến lớn cho đất nước dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, thế kỷ 18.
Phạm Nguyễn Du còn là một nhà văn hiện thực nổi tiếng ở thế kỷ 18, với nhiều tác phẩm có giá trị như: “Nam thành ký đắc tập”, “Đoạn trường lục”, “Thạch Động tiên sinh thi tập”, ” Độc sử si tướng”,...lưu lại dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử văn học Việt Nam.
Phạm Nguyễn Du mất năm 1786 tại quê nhà, thọ 47 tuổi. Theo di huấn của ông, nhân dân và con cháu đã đem thi hài ông an táng tại mảnh vườn - nơi ông sinh ra và lớn lên. Đền thờ ông cũng được xây dựng cạnh đó 300 mét, tựa lưng vào khối núi Trượng Nhân Phong (còn gọi là núi Lập Thạch). Ở đây phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, tĩnh lặng; nó góp phần tạo nên tâm hồn, tính cách của một nhà thơ tao nhã, tài hoa.
bia

Các hậu duệ của ông và nhân dân trong vùng thường lui tới cúng thờ ông tại đền thờ này (Nhân dân quen gọi nơi này là Nhà thờ và Mộ Cụ Phạm Nguyễn Du).
Phạm Nguyễn Du đã dược ghi nhận là danh nhân của tỉnh Nghệ an và được xếp trong Danh sách các tác gia Việt Nam.
mộ PND

Nhà thờ Phạm Nguyễn Du gồm một nhà bái đường và nhà hậu cung. Phía trước có đắp chữ nổi “Phạm Đại Tôn”. Trong nhà bái đường có một tấm bia đá với đầu đề “Phạm gia thạch ký”. Nội dung bia là tóm tắt tiểu sử gia đình và thân thế, sự nghiệp của ông. Trong hậu cung có lưu giữ nhiều tư liệu quý, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cuộc đời của một nhà nho thanh bạch, về những tục lệ của dân tộc và sự phát triển của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Khu mộ Phạm Nguyễn Du được xây dựng trên một mảnh đất bằng phẳng 28m2, cách Nhà thờ 300 mét về phía đông - nam. Toàn bộ khu mộ được xây dựng bằng vữa tam hợp, cột quyết có câu đối, mộ chí bằng đá xanh, dài 0,5 mát, rộng 0,35 mét,...
nhà

Nhà thờ và mộ Tiến sĩ Hoàng giáp Đông các Đại học sĩ Phạm Nguyễn Du có giá trị cao về lịch sử – văn hoá, là một công trình kiến trúc có giá trị, làm rạng rỡ thêm cho truyền thống văn hiến của quê hương Nghệ An.
Năm 1996, Bảo tàng Nghệ An đã lập Hồ sơ khoa học để trình Bộ văn hoá - thông tin; và đến nay đã được Bộ văn hoá- thông tin công nhận là Di tích lịch sử -văn hoá cấp quốc gia.

(Theo tài liệu Di tích lịch sử- văn hoá xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây